Nâng cao chất lượng nghiên cứu khoa học giáo dục, thúc đẩy phát triển giáo dục

Ngày 3/8, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam tổ chức Hội thảo “Thực trạng nghiên cứu về khoa học giáo dục Việt Nam giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2030”, Thứ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) Nguyễn Văn Phúc dự và phát biểu tại Hội thảo.
03/08/2022 17:22

Theo báo cáo của Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam, giai đoạn 2011 - 2020, khoa học giáo dục (KHGD) Việt Nam đã có những đóng góp quan trọng trong nghiên cứu giải quyết các vấn đề đặt ra từ thực tiễn giáo dục nước nhà. Các chuyên ngành KHGD đã xác định được rõ hơn, cụ thể hơn nội dung nghiên cứu và phương pháp nghiên cứu đặc thù, đồng thời quán triệt quan điểm phức hợp, vừa nghiên cứu, vừa tác động vào một đối tượng tương đối hoàn chỉnh.

Nghiên cứu cơ bản về KHGD đã có đóng góp trực tiếp qua nghiên cứu những vấn đề về chiến lược và chính sách giáo dục phục vụ công tác quản lý, chỉ đạo ngành; Trong xây dựng các văn bản quan trọng về giáo dục; Xây dựng hệ thống quan điểm mới về nền giáo dục và nhà trường trong thời kỳ công nghiệp hóa - hiện đại hóa và hội nhập quốc tế, giáo dục Việt Nam với nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế, chuẩn hóa và xã hội hóa giáo dục;...

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc phát biểu tại hội thảo

Những nghiên cứu ứng dụng, triển khai đã chú trọng trực tiếp phục vụ quản lý chỉ đạo, góp phần giải quyết những nhiệm vụ cấp bách của ngành. Trong những năm qua nhiều công trình nghiên cứu đáp ứng yêu cầu của Bộ GDĐT, góp phần cung cấp những luận cứ khoa học cho việc đổi mới hệ thống giáo dục và đóng góp có ý nghĩa vào việc xây dựng các văn bản quan trọng về giáo dục.

Từ những kết quả đạt được giai đoạn 2011 - 2020, Viện Khoa học Giáo dục Việt Nam đã đề xuất một số định hướng nghiên cứu giai đoạn 2021 - 2030. Trong đó, định hướng nghiên cứu cơ bản về KHGD bao gồm: Triết học giáo dục; Tâm lý học giáo dục; Giáo dục học; Kinh tế học giáo dục; Xã hội học giáo dục.

Định hướng nghiên cứu ứng dụng triển khai KHGD bao gồm: Chính sách, chiến lược giáo dục; Hệ thống giáo dục; Quản lý và quản trị cơ sở giáo dục; Phát triển người học và tư vấn học đường; Văn hóa, đạo đức và môi trường giáo dục; Sư phạm học; Phát triển đội ngũ giáo viên; Đánh giá, kiểm định chất lượng giáo dục; Quy hoạch, dự báo giáo dục và nhân lực; Điều kiện đảm bảo chất lượng giáo dục.

Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc đánh giá cao tầm quan trọng của KHGD trong việc góp phần cung cấp luận cứ khoa học cho hoạch định đường lối, chủ trương của Đảng và chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và của ngành Giáo dục nói riêng.

Thứ trưởng cho rằng, trong giai đoạn tới cần thúc đẩy, nâng cao chất lượng nghiên cứu KHGD, tạo cơ sở vững chắc cho các chính sách và định hướng phát triển giáo dục. Đồng thời, cần tập trung nghiên cứu một cách bài bản, làm sáng tỏ vấn đề; Nghiên cứu phải đảm bảo phù hợp với quy luật phát triển, dựa trên thực tiễn và đáp ứng tốt sự phát triển của đất nước.

Trong bối cảnh triển khai cơ chế tự chủ, các viện nghiên cứu cũng như các cơ sở giáo dục đại học gặp nhiều khó khăn, khi mức tài chính hỗ trợ nghiên cứu bị cắt giảm. Vì vậy, trong thời gian tới, theo Thứ trưởng cần có kiến nghị, giải pháp mạnh mẽ hơn nữa, hoàn thiện chính sách, cơ chế thúc đẩy nghiên cứu về KHGD. Tiếp tục đổi mới các phương pháp nghiên cứu, đảm bảo khía cạnh khoa học, tạo cơ sở vững chắc để thúc đẩy phát triển giáo dục.

Thứ trưởng Nguyễn Văn Phúc bày tỏ mong muốn các chuyên gia, nhà khoa học tham dự Hội thảo sẽ cùng tham gia đóng góp, làm sáng tỏ những định hướng nghiên cứu lớn, các phương pháp tiếp cận, đẩy mạnh quá trình nghiên cứu trong thời gian tới.

Trung tâm Truyền thông Giáo dục

comment Bình luận

largeer