Nguyên nhân gây ra hội chứng mùi người già?

Cơ thể người già luôn tiết ra một mùi hương mà người ta hay gọi là "mùi người già". Đâu là nguyên nhân gây ra thứ mùi này?
14/01/2021 14:54

Theo nghiên cứu, hầu hết mọi người tiết mùi cơ thể thông qua mồ hôi. Trong cơ thể con người có hàng triệu tuyến mồ hôi và được chia làm hai loại chính: Tuyến mồ hôi Eccrine, phân bố trên toàn bộ da, tiết ra chủ yếu nước và muối; Tuyến mồ hôi Apocrine phát triển trong độ tuổi dậy thì, nằm dưới nách và vài vị trí khác trên cơ thể.

Mỗi người đều có mùi cơ thể đặc trưng, không giống nhau. Tùy thuộc vào số lượng vi sinh vật sống nhờ dưới vùng nách và những chất dinh dưỡng mà tuyến mồ hôi cung cấp cho chúng dẫn đến sự khác nhau này. Các yếu tố khác như: Hệ gene cũng giúp xác định loại hợp chất nào bạn tiết ra, với số lượng bao nhiêu, Adrenaline làm tăng tỷ lệ mồ hôi đầu, do đó, mùi cơ thể có thể trở nên nồng hơn khi bạn lo lắng. Cấu tạo và mật độ vi khuẩn cũng thay đổi tùy người và đóng vai trò quan trọng. Thậm chí, thức ăn bạn ăn cũng tạo ra những ảnh hưởng đến mùi cơ thể.

mui nguoi gia

Đối với người già cũng vậy, tuy nhiên, sự thay đổi mùi hương trên cơ thể họ còn có nhiều yếu tố khác gây ra, tạo nên mùi đặc trưng thường được gọi với cái tên mùi người già. Tại sao lại có sự thay đổi này?

Mùi người già không chỉ đơn giản là do người già ngại tắm, ngại thay quần áo như nhiều người vẫn nghĩ mà khoa học còn chứng minh “mùi người già” còn do sự già cỗi, thoái hóa của các tế bào, cơ quan trong cơ thể…

Các nhà khoa học đã chỉ ra một số nguyên nhân dẫn đến mùi người già, cụ thể:

Do bệnh tật: Khi đã có tuổi, người già thường không tránh được bệnh tật do hệ miễn dịch và sức đề kháng yếu. Trong đó, một số bệnh như tiểu đường có thể thay đổi mùi cơ thể, bất kể chúng ta ở độ tuổi nào. Người bệnh tiểu đường thường có mùi trái cây và siro do cơ thể sản sinh nhiều ketone. Một số bệnh khác cũng có thể thay đổi mùi cơ thể như bệnh cường giáp và bệnh gan.

Do sự lão hóa, thoái hóa của các tế bào và các cơ quan trong cơ thể: Vấn đề tuổi tác kéo theo sự lão hóa của các bộ phận trên cơ thể con người. Các nhà khoa học Nhật Bản trước đó đã lần theo “mùi người già” và phát hiện một hợp chất hóa học gọi là 2-nonenal. Các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng, 2-nonenal là hợp chất có mùi chỉ hiện diện rõ ở người cao tuổi. Các hợp chất này phát ra mùi "nhờn cháy khét như mồ hôi dầu" hoặc mùi “cỏ cây”. Chúng được thoát ra từ da của người già sau đó được giải phóng vào không khí. Do càng lớn tuổi, làn da càng sản sinh ra nhiều axit béo. Khi gặp không khí, các axit béo này làm tăng 2-nonenal.

Ngoài ra, đối với người già, đặc biệt là ở phụ nữ còn gặp phải tình trạng tiểu không tự chủ (tiểu són) do sự lão hóa của chức năng thận và cơ bàng quang. Khi 2 cơ quan này lão hóa, khả năng kiểm soát việc tiểu tiện bị giảm, dễ gây ra tình trạng rò rỉ nước tiểu ra quần khi ho, hắt hơi , cười lớn thậm chí là đi bộ cũng có thể són tiểu ra quần. Đây cũng là 1 nguyên nhân chính góp phần tạo nên mùi người già.

Chế độ ăn uống cũng là một trong các nguyên nhân gây nên mùi người già: Theo các nhà nghiên cứu, các thực phẩm như cá, gia vị và thịt đỏ có thể ảnh hưởng đáng kể đến mùi hương. Quá trình phân hủy thức ăn trong cơ thể giải phóng các chất hóa học qua mồ hôi.  Một tác nhân khác đáng chú ý nữa là nước. Càng không được cấp nước đầy đủ, cơ thể sẽ càng “nặng mùi”.

Ngoài ra, các yếu tố vệ sinh cá nhân khác như lười tắm, ngại thay quần áo, vệ sinh qua loa... cũng khiến mùi cơ thể người già thêm "đậm đặc".

Để giảm thiểu mùi hương trên cơ thể, người già nên giữ chế độ ăn uống lành mạnh, không lạm dụng các chất kích thích như rượu,bia và chú ý vệ sinh cơ thể sạch sẽ.

Minh Hằng (tổng hợp)

comment Bình luận

largeer