Những lưu ý trong tập luyện và dinh dưỡng để trái tim luôn khỏe

Người gặp các vấn đề về tim mạch có thể cải thiện tình trạng bệnh lý của mình bằng cách “theo đuổi” lối sống tích cực hơn. Điển hình như việc ăn uống hay tập thể dục đều đặn. Vậy, cần có những lưu ý gì trong tập luyện và dinh dưỡng để trái tim luôn khỏe?
29/09/2021 15:58

Tập thể dục 150 phút mỗi tuần, giảm 14% nguy cơ mắc bệnh tim

Theo Bác sĩ Chuyên khoa II Trần Thị Thanh Trúc - Trung tâm Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện đa khoa Tâm Anh: Vận động cơ xương khớp không chỉ tốt cho hệ tim mạch mà còn có lợi cho toàn cơ thể. Một nghiên cứu của Mỹ chỉ ra nếu con người tập thể dục trên 150 phút mỗi tuần, nguy cơ mắc bệnh tim mạch có thể giảm 14%. Tương tự, nếu tập 300 phút mỗi tuần, nguy cơ này giảm khoảng 20%. Đối với những người bận rộn, tuy không tập đủ 150 phút mỗi tuần, kết quả vẫn tốt hơn người không tập luyện.

Ngược lại, những người mắc bệnh tim mạch chỉ nên vận động theo chỉ định của bác sĩ. Chúng ta phải khởi động trước và nâng dần cường độ của bài tập. Đồng thời, người bệnh cần chú ý đến yếu tố thời tiết. Nhiệt độ quá nóng hay lạnh đều ảnh hưởng đến hệ tuần hoàn, bệnh nhân mất mồ hôi nhiều, dẫn tới chóng mặt, đau ngực và ngất.

tapluyen

Giảm mỡ hay tăng cơ tốt cho tim mạch hơn?

Theo một nghiên cứu đăng tải trên chuyên san PLOS Medicine cho thấy giảm trọng lượng dư thừa có lợi cho sức khỏe tim mạch hơn là xây dựng cơ bắp. Tiến sĩ Joshua Bell, tác giả chính của nghiên cứu, đồng thời là nghiên cứu viên cao cấp về dịch tễ học tại Đại học Bristol (Anh), chia sẻ: “Chúng tôi khuyến khích việc tập thể dục nhưng chúng ta cần hiểu rõ rằng tăng cơ có thể giảm nguy cơ mắc bệnh tim và giảm mỡ mới mang lại tác động thực sự”.

Nghiên cứu đã theo dõi hơn 3.200 người Anh sinh vào những năm 1990. Họ được kiểm tra, đánh giá lượng mỡ và trọng lượng cơ thể ở độ tuổi 10, 13, 18 và 25. Các bài kiểm tra cơ tay cũng được đánh giá ở độ tuổi 12 và 25.

Ở tuổi 25, những người tham gia thực hiện xét nghiệm huyết áp và máu để đánh giá khoảng 200 yếu tố trao đổi chất được xem là dấu hiệu cảnh báo sớm cho bệnh tim và các vấn đề sức khỏe khác. Các yếu tố đó bao gồm nồng độ insulin, protein phản ứng C, cholesterol, chất béo trung tính, glucose, creatinine và các a xít amin chuỗi nhánh…

Kết quả nghiên cứu cho thấy những người tập trung giảm mỡ trong thời kỳ thanh thiếu niên ít có khả năng phát triển các yếu tố nguy cơ về bệnh tim mạch như glucose cao, viêm nhiễm hoặc cholesterol xấu ở tuổi 25.

“Những thay đổi về chất béo trong cơ thể quan trọng hơn nhiều so với những thay đổi về cơ trong việc giảm các yếu tố nguy cơ mắc bệnh tim”, tiến sĩ Bell giải thích. Chẳng hạn, đối với việc giảm mức cholesterol xấu, giảm mỡ mang lại khả năng bảo vệ gấp 5 lần so với tăng cơ.

Theo các tác giả nghiên cứu, tăng cơ có lợi khi nó diễn ra ở tuổi vị thành niên, từ 13 - 18 tuổi. Đây là khoảng thời gian cơ thể “bận rộn” với sự phát triển và trưởng thành, cũng là lúc cần thúc đẩy một số hoạt động tăng cơ. Sau khi xem xét kết quả nghiên cứu, tiến sĩ Lona Sandon, công tác tại Trung tâm y tế UT Southwestern ở Dallas (Mỹ), nhận định người trẻ nên đặt mục tiêu hạn chế mỡ thừa từ sớm, thay vì đợi đến độ tuổi cao hơn.

“Hãy hình thành thói quen ăn uống và sinh hoạt lành mạnh ngay từ sớm để duy trì trọng lượng cơ thể khỏe mạnh trong suốt thời thơ ấu và trưởng thành nhằm giảm nguy cơ mắc bệnh tim về sau”, tiến sĩ Sandon khuyến cáo.

chedodinhduong

Chế độ ăn uống, luyện tập cho bệnh nhân tim mạch

Theo BS. CKII Huỳnh Ngọc Long - Trưởng khoa Thông tim can thiệp , TT Tim mạch, BVĐK Tâm Anh TP HCM: Trong điều trị, bệnh nhân có uống thuốc, chế độ ăn, chế độ tập luyện. Trong đó, về thuốc, bệnh nhân nên giữ chế độ thuốc như bình thường.

Còn trong chế độ ăn, bệnh nhân nên ăn đều các chất vì thức ăn có 3 nhiệm vụ chính. Thứ nhất là tạo năng ượng, tạo sức đề kháng, tạo thành tế bào. Vì trong cơ thể phải có chất tạo thành tế bào để chống lại hiện tượng thoái hóa của cơ thể như loãng xương, hẹp mạch vành, thoái hóa van tim...

Để giúp bệnh nhân hiểu rằng phải ăn toàn diện, thì tôi có đề ra công thức 8 con số. Trong đó, 4 con số đầu là 5, 4, 3, 2. Còn 4 số sau là số cặp 2-2, 1-1. Điều này có nghĩa là 500 ml sữa, 400 gram rau, trái cây 300 gram, cá - thịt 200 gram; tinh bột 200 gram - nước 2 lít; trứng 1 quả - 1 muỗng dầu (olive, hướng dương, thực vật).

Vậy 8 con số trên cho biết rằng bệnh nhân nên ăn đều để giúp cho 3 nhiệm vụ: tạo thành tế bào, tạo thành chất xúc tác, tạo thành năng lượng cho cơ thể.

Còn về tập luyện, nếu bệnh nhân không đi ra ngoài do dịch, có thể tập tại chỗ trong nhà, không để ngưng vì điều này có thể gây phản ứng dội, làm cho huyết áp tăng, cân nặng tăng, đường trong máu, mỡ trong máu tăng. Chúng ta không nên để cho phản ứng dội quá nhiều.

Do vậy, trong việc uống thuốc, chế độ ăn và tập luyện thời Covid, bệnh nhân cần biết cách ứng dụng làm sao đừng cho gây ra hiện tượng dội lên, tránh gây biến chứng bất ngờ xảy ra.

Thu Trang

comment Bình luận

largeer