Nóng: Yêu cầu Cục Quản lý y dược cổ truyền kiểm điểm, làm rõ trác nhiệm khi đưa TPCN vào trị COVID

Vụ Tổ chức cán bộ - Bộ Y tế đã yêu cầu Cục Quản lý y dược cổ truyền kiểm điểm, làm rõ trách nhiệm tập thể, cá nhân do trình lãnh đạo bộ ký ban hành công văn đưa TPCN vào hướng dẫn điều trị COVID-19.
By Nhất Nam/ Sức Khỏe Cộng Đồng
31/07/2021 18:48
Thực phẩm chức năng Imboost, viên nang Kovir chưa có phép lọt vào công văn của Bộ Y tế.

Thực phẩm chức năng Imboost, viên nang Kovir chưa có phép lọt vào công văn của Bộ Y tế.

Kiểm điểm... vì làm theo quán tính?

Liên quan đến vụ việc Bộ Y tế ra văn bản 5944 kèm phụ lục hướng dẫn sử dụng 12 loại thuốc có tác dụng “phòng, điều trị” COVID-19 rồi lại thu hồi, gây bàn tán trong dư luận.

Mới đây, Vụ Tổ chức cán bộ, Bộ Y tế đã có văn bản yêu cầu Cục Quản lý y dược cổ truyền họp rút kinh nghiệm, xem xét trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan.

Cụ thể, Cục Quản lý y dược cổ truyền đã tổ chức phiên họp nội bộ rút kinh nghiệm. Theo đó, cục này cho rằng việc có một số từ ngữ trong công văn 5944 như "các sở y tế căn cứ danh mục trong công văn này tham khảo lựa chọn mua sắm, đấu thầu, tiếp nhận tài trợ để hỗ trợ điều trị cho người bệnh COVID-19 tại địa phương" là đưa theo "quán tính", không nhạy bén, gây bức xúc cho xã hội.

Một đại diện Cục Quản lý y dược học cổ truyền cũng cho rằng những thuốc trong phụ lục công văn là nhà sản xuất đã hỗ trợ từ khi dịch bùng phát ở Bắc Giang, Bắc Ninh, đợt này tiếp tục hỗ trợ.

Cục trưởng Cục quản lý Y - dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh ký nhiều văn bản đưa thực phẩm chức năng vào hướng dẫn phòng, điều trị COVID-19 như là thuốc, thậm chí có sản phẩm còn chưa có phép có dấu hiệu để doanh nghiệp trục lợi.

Cục trưởng Cục quản lý Y - dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh ký nhiều văn bản đưa thực phẩm chức năng vào hướng dẫn phòng, điều trị COVID-19 như là thuốc, thậm chí có sản phẩm còn chưa có phép có dấu hiệu để doanh nghiệp trục lợi.

"Đây hoàn toàn là tai nạn, cục không có ý đồ, khi được hỗ trợ mình vô tư nhận và có công văn đi các nơi để họ tiếp nhận, mặc dù có sản phẩm không phải để điều trị nhưng có tác dụng hỗ trợ điều trị" - vị này cho biết.

Vị đại diện này cũng cho rằng ông Nguyễn Thế Thịnh - cục trưởng Cục Quản lý y dược cổ truyền - thời điểm ban hành công văn đang đi học nên chưa xem kỹ điểm có sai sót trong công văn, trình lãnh đạo bộ ký trong khi lãnh đạo bộ (cụ thể thứ trưởng ký công văn này là ông Nguyễn Trường Sơn) lại đang "bận chống dịch túi bụi" tại khu vực phía Nam.

Về mức kỷ luật với những người liên quan, vị đại diện kể trên cho rằng theo quy định Bộ Y tế sẽ thành lập hội đồng để xem xét, còn cuộc họp kể trên là bước họp nội bộ.

Ký liên tiếp nhiều công văn "hô biến" thực phẩm chức năng thành thuốc

Trong số 12 loại thuốc đính kèm trong công văn 5944 kể trên, dư luận phát hiện hàng loạt là thực phẩm chức năng, trong đó thậm chí có loại còn từng bị Cục An toàn thực phẩm cảnh báo về quảng cáo thổi phồng công dụng.

Chỉ là thực phẩm chức năng nhưng Kovir của Sao Thái Dương lại hướng dẫn chỉ định điều trị cho các đối tượng là bệnh nhân COVID-19.

Chỉ là thực phẩm chức năng nhưng Kovir của Sao Thái Dương lại hướng dẫn chỉ định điều trị cho các đối tượng là bệnh nhân COVID-19.

Đồng thời Cục ATTP cũng từng khẳng định rằng: "Không có bất kì loại thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào chữa được Covid 19 hay kháng Covid; Không có bất kì thực phẩm chức năng/thực phẩm bảo vệ sức khỏe nào được phép ghi công dụng “điều trị bệnh".

Thế nhưng qua tìm hiểu PV phát hiện, trước khi Bộ Y tế ra văn bản 5944, thì trước đó cả tháng Cục trưởng Cục quản lý Y - dược cổ truyền Nguyễn Thế Thịnh từng ký liên tục 3 văn bản số 513, 515, 648 gửi đến các địa phương vùng dịch như: Bắc Ninh, Bắc Giang và một số tỉnh, thành miền Nam về việc hướng dẫn sử dụng một số thuốc cổ truyền, sản phẩm y học cổ truyền trong phòng, hỗ trợ điều trị COVID-19, trong đó đính kèm cả thực phẩm chức năng Kovir viên nang cứng của Sao Thái Dương chưa có giấy tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm do Cục ATTP ban hành theo quy định.

Bên cạnh đó, trong văn bản 648 do ông Thịnh ký còn nêu thực phẩm chức năng này có tác dụng "chủ trị phòng và điều trị bệnh" như thể là thuốc cũng, khiến nhiều người bất bình, đi ngược lại quy định của Bộ Y tế, đi ngược lại những cảnh báo của Cục ATTP.

Quá trình tìm hiểu, PV cũng phát hiện một sản phẩm nằm trong danh sách cũng đang gây chú ý đó là thực phẩm chức năng Imboost của Công ty cổ phần y dược Trương Trọng Cảnh. Đây vốn là sản phẩm của doanh nghiệp khá lạ ít người biết trên thị trường nhưng không hiểu có gì đặc biệt đã lọt vào mắt xanh của Bộ Y tế.

Trên các trang mạng, sản phẩm thực phẩm chức năng Imboost được quảng cáo là “dũng sĩ vượt qua đại dịch”. Đặc biệt, ngoài các tác dụng với các bệnh tiêu hoá, ung thư, mất ngủ, tăng đề kháng; sản phẩm còn được quảng cáo có tác dụng… tăng cường sinh lý nam, nữ.

Nhan nhản quảng cáo TPCN Imboost tăng cường sinh lý nam, nữ. (Ảnh: Chụp trên trang thương mại Shopee.vn).

Nhan nhản quảng cáo TPCN Imboost tăng cường sinh lý nam, nữ. (Ảnh: Chụp trên trang thương mại Shopee.vn).

Đặc biệt, PV phát hiện, trong văn bản gửi Cục Quản lý Y - Dược cổ truyền, Công ty cổ phần Y dược Trương Trọng Cảnh đã thổi phồng công dụng của sản phẩm so với bản tiếp nhận đăng ký công bố sản phẩm mà doanh nghiệp này đăng ký với Cục ATTP.

Cụ thể, trong bản đăng ký công bố sản phẩm, thực phẩm chức năng này chỉ đề công dụng là: Hỗ trợ bổ phế, tăng cường sức đề kháng, giúp cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ viêm đường hô hấp do sức đề kháng kém.

Thế nhưng trong văn bản 06 ký ngày 22/7, gửi đến Cục Quản lý Y dược cổ truyền, công ty này lại ghi sản phẩm Imboost có công dụng: Hỗ trợ bổ phế, tăng cường sức đề kháng, giúp cải thiện triệu chứng và giảm nguy cơ viêm đường hô hấp do sức đề kháng kém, phòng và điều trị các bệnh lý do virut lây lan qua đường hô hấp.

Như vậy, công ty này đã tự phong cho thực phẩm chức năng Imboost có công dụng như thuốc khi thêm dòng “phòng và điều trị các bệnh lý do virut lây lan qua đường hô hấp” vào phần công dụng gửi Cục Quản lý Y dược cổ truyền.

Hai văn bản thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng do ông Đỗ Quốc Thái - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần y dược Trương Trọng Cảnh ký gửi Cục Quản lý y dược cổ truyền và Sở Y tế TP HCM để đưa sản phẩm này vào 'điều trị' cho bệnh nhân COVID-19.

Hai văn bản thổi phồng công dụng của thực phẩm chức năng do ông Đỗ Quốc Thái - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần y dược Trương Trọng Cảnh ký gửi Cục Quản lý y dược cổ truyền và Sở Y tế TP HCM để đưa sản phẩm này vào "điều trị" cho bệnh nhân COVID-19.

Bên cạnh đó, ngày 26/7, khi công văn 5944 của Bộ Y tế bị thu hồi thì công ty này tiếp tục ký văn bản số 07 gửi Sở Y tế TP.HCM với nội dung, công dụng thổi phồng như văn bản số 06.

Qua khảo sát trên các trang mạng thì sản phẩm này được rao bán khá rầm rộ với nhiều mức giá khác nhau, đặc biệt sau công văn của Bộ Y tế, trên các trang mạng có nhiều người săn lùng đặt mua sản phẩm này.

Việc này đã làm dấy lên nghi ngờ về việc có sự liên kết trục lợi. Được biết, Tổng Cục quản lý thị trường và nhiều cơ quan chức năng đang vào cuộc để làm rõ nghi vấn này.

Việc các doanh nghiệp tự ý nâng giá, thổi giá, quảng cáo thổi phồng công dụng thực phẩm chức năng như thuốc nhằm trục lợi trong tình hình dịch COVID-19, là đáng lên án.

Đề nghị các cơ quan chức năng vào cuộc điều tra, làm rõ, tránh gây hoàn mang trong dư luận và làm ảnh hưởng đến cuộc chiến chống dịch COVID-19 của nhân dân cả nước.

Chúng tôi tiếp tục thông tin.

comment Bình luận

largeer