Thanh Hóa ngăn chặn tình trạng lao động xuất cảnh trái phép

Thời gian qua, cơ quan chức năng tỉnh Thanh Hóa đã triển khai nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn công dân vượt biên ra nước ngoài lao động. Tuy nhiên, tình trạng này vẫn có nguy cơ tăng trở lại, đặc biệt là thời điểm sau Tết Nguyên đán.
05/03/2024 07:23
Công an thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) làm việc với một trường hợp xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Ảnh: conganthanhhoa.gov.vn

Công an thành phố Sầm Sơn (Thanh Hóa) làm việc với một trường hợp xuất cảnh trái phép sang Campuchia. Ảnh: conganthanhhoa.gov.vn

Thống kê cho thấy, hiện nay trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa có hơn 2.700 công dân đang cư trú, lao động trái phép tại 18 quốc gia và vùng lãnh thổ (chủ yếu là ở Trung Quốc, Hàn Quốc, Campuchia, Nhật Bản, Đài Loan (Trung Quốc), Lào…

Tính cả thời gian trước đây, có tổng hơn 4.500 trường hợp công dân cư trú, lao động trái phép ở nước ngoài bị bắt, trao trả, đuổi về nước; 36 trường hợp bị nước sở tại bắt giữ, đưa ra xét xử hình sự về các tội nhập cảnh trái phép, tàng trữ, sử dụng vũ khí… và hơn 100 trường hợp bị các đối tượng là chủ, quản lý sòng bạc lừa bán, khống chế, đòi tiền chuộc.

Theo Trung tá Nguyễn Thanh Bình - Trưởng phòng An ninh đối ngoại, Công an tỉnh Thanh Hóa cho biết, hiện nay việc phát hiện, đấu tranh, xử lý đối với các hoạt động xuất nhập cảnh trái phép gặp nhiều khó khăn, do thủ đoạn của các đối tượng hoạt động hết sức tinh vi.

Các đối tượng thường sử dụng phương thức, thủ đoạn phổ biến như: đưa ra lời mời “việc nhẹ lương cao” để đánh vào tâm lý nhẹ dạ, cả tin, ham muốn có được việc làm đem lại thu nhập cao, từ đó rủ rê, lôi kéo. Ngoài ra, lợi dụng mối quan hệ quen biết hoặc sử dụng mạng xã hội để đăng tải các bài viết quảng cáo, tuyển lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Những hệ lụy khi đi lao động trái phép ở nước ngoài là rất khó lường, nhiều trường hợp đã phải trả “giá đắt” khi đặt chân đến “miền đất hứa”.

Đơn cử, em H.V.S (16 tuổi, trú xã Quảng Văn, huyện Quảng Xương) dù đang theo học tại trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa, nhưng nghe theo lời rủ rê của bạn bè, đã bỏ học rồi xuất cảnh trái phép sang Campuchia để làm việc, trong khi gia đình, bố mẹ không hề hay biết. Khi sang đến nơi, thay vì có công ăn việc làm thu nhập ổn định, S. đã bị lừa vào một cơ sở đánh bạc trực tuyến, rồi bị ép làm việc cho phần mềm lừa đảo.

Biết tin con bỏ học, bố mẹ S. đã tìm mọi cách mới biết em đã sang Campuchia đi lao động trái phép. Lo lắng cho con, bố mẹ S. đã vay mượn khắp nơi để đưa con về nước. Thế nhưng, muốn bỏ việc để về nước lúc này không còn đơn giản. S. sau đó phải làm việc gần một năm không lương, và gia đình phải vay mượn gửi hơn 120 triệu đồng tiền chuộc em về.

Trước thực trạng trên, với nhiều biện pháp quyết liệt của các lực lượng chức năng cùng sự vào cuộc tích cực của cấp uỷ, chính quyền các cấp, tình trạng lao động xuất cảnh trái phép sang nước ngoài để làm việc bất hợp pháp trên địa bàn tỉnh thời gian qua đã giảm đáng kể. Từ đầu năm 2023 đến nay, Công an tỉnh Thanh Hóa đã khởi tố 19 vụ, 30 bị can về các tội liên quan đến môi giới, tổ chức đưa người xuất cảnh trái phép hoặc tổ chức người trốn đi nước ngoài, ở lại nước ngoài bất hợp pháp.

Để công tác phòng ngừa, đấu tranh có hiệu quả với hoạt động xuất cảnh trái phép trên địa bàn thì ngoài sự đấu tranh quyết liệt của lực lượng công an, cần sự vào cuộc của các cấp ủy, chính quyền địa phương trong phối hợp tuyên truyền, nâng cao nhận thức cho người dân liên quan đến lĩnh vực xuất cảnh, nhập cảnh.

Bên cạnh đó, mỗi người dân cần phải nâng cao hơn nữa ý thức, tự giác chấp hành các quy định của pháp luật về xuất cảnh, cư trú, lao động ở nước ngoài; nêu cao tinh thần cảnh giác, không nghe, không tin những lời dụ dỗ của đối tượng xấu.

Mạnh Linh

comment Bình luận

largeer