Vụ Nhật Cường: 1 nữ bị cáo bị đề nghị án nặng nhất 16 năm tù

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc - Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường bị đề nghị mức án từ 14-16 năm tù cho 2 tội danh "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".
By N.N/ Sức Khỏe Cộng Đồng
06/05/2021 17:07
Các bị cáo trong vụ án Nhật Cường tại tòa. (Ảnh: Dân Trí).

Các bị cáo trong vụ án Nhật Cường tại tòa. (Ảnh: Dân Trí).

Chiều nay (6/5), ĐXX TAND TP Hà Nội tiếp tục xét xử vụ án "Buôn lậu" và "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng" xảy ra tại Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ kỹ thuật Nhật Cường (Công ty Nhật Cường - Vụ án Nhật Cường).

VKS đề nghị mức án với 14 bị cáo vụ án Nhật Cường

Theo đó, Đại diện VKSND TP Hà Nội đề nghị phạt bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc 9-10 năm tù về tội "Buôn lậu", 5-6 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng", tổng hình phạt 14-16 năm tù.

Các bị cáo Nguyễn Bảo Trung 12-13 năm tù; Trần Ngọc Ánh 15-16 năm tù; Đỗ Quốc Huy 13-14 năm tù; Nông Văn Lư 9-10 năm tù; Trần Tất Khoa 7-8 năm tù; Lê Hoài Phương 7-8 năm tù; Ngô Tuấn Sửu 7-8 năm tù; Ngô Đức Tùng 3-4 năm tù; Hoàng Văn Phong 7-8 năm tù; Phạm Văn Hiệp 12-13 năm tù (cộng với 3 năm tù cũ, tổng cộng là 15-16 năm tù); Bùi Quốc Việt (anh trai Bùi Quang Huy) 7-8 năm tù; Đỗ Văn Dũng 7-8 năm tù. Các bị cáo này đều phạm tội "Buôn lậu".

Bị cáo Nguyễn Thị Bích Hằng bị đề nghị 4-5 năm tù về tội "Vi phạm quy định về kế toán gây hậu quả nghiêm trọng".

"Người bình thường cũng biết hàng lậu không báo cáo thuế được"

Đứng trước bục khai báo trong phiên tòa, bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc khai được cấp quyền truy cập vào phần mềm ERP với nhiều phân hệ khác nhau, trong đó có phân hệ kế toán.

Tuy nhiên, bị cáo này cho biết, trên phần mềm ERP mình chỉ thực hiện tạo đơn hàng nhập khẩu, trong đó có hàng hóa có hóa đơn, không có hóa đơn; còn bộ phận kho, kinh doanh chịu trách nhiệm nhập dữ liệu hàng hóa khi hàng về vào phần mềm ERP.

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường. (Ảnh: Dân Trí).

Bị cáo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính Công ty Nhật Cường. (Ảnh: Dân Trí).

Trước câu hỏi của HĐXX, bị cáo Ngọc nói, chỉ cung cấp cho bị cáo Hằng thông tin tài khoản các công ty, còn không cung cấp các dữ liệu hàng hóa để báo cáo, vì bị có Hằng có được cấp quyền truy cập vào ERP, nên có thể tự lấy thông tin ở đây.

"Trên hệ thống phần mềm ERP, bị cáo có nhìn thấy thông tin hàng hóa nhập khẩu có hóa đơn và không có hóa đơn không. Theo bị cáo, hàng hóa nhập về không có hóa đơn có khai báo thuế được không?", HĐXX hỏi.

Bị cáo Ngọc nói có nhìn thấy các thông tin đó, nhưng theo hiểu biết của mình về nghiệp vụ kế toán, thì hàng hóa nhập không hóa đơn chứng từ có được kê khai vào bảng kê hàng hóa mua vào không có hóa đơn để kê khai báo cáo thuế. Nhưng từ năm 2008 trở đi, bị cáo không làm kế toán nên không rõ quy định pháp luật có thay đổi như thế nào.

"Bị cáo là người học Đại học dân lập Thăng Long khoa Quản trị Kinh doanh, bị cáo phải hiểu rất rõ hàng hóa không có VAT thì làm sao báo cáo thuế được, mà trong phần mềm ERP có thông tin hàng hóa không có hóa đơn, vậy nếu in ra thì lộ hết kinh doanh thực, tài sản thực?", HĐXX chất vấn

Bị cáo Ngọc cúi đầu nói có biết điều đó, nhưng bị cáo không được giao thực hiện lập hệ thống sổ sách kế toán để báo cáo thuế, tài chính… của công ty, việc này là do bị cáo Hằng đảm nhận.

HĐXX nhắc bị cáo Ngọc về thái độ khai báo tại tòa, bởi nếu khai báo thành khẩn sẽ được ghi nhận và hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Theo HĐXX, một người bình thường không có nghiệp vụ kế toán cũng biết nếu hàng hóa nhập về không có hóa đơn thì không khai báo thuế được, nếu khai báo thì phải truy thu thuế, còn nếu là hàng hóa cấm nhập khẩu thì phải tiêu hủy.

Gây thiệt hại lớn cho nhà nước

Theo đại diện VKS, Bùi Quang Huy, Tổng Giám đốc Công ty Nhật Cường (đang bỏ trốn) đã trực tiếp chỉ đạo lãnh đạo, nhân viên công ty thực hiện hành vi giao dịch, mua bán trái phép 255.311 sản phẩm (điện thoại các loại hiệu iPhone, Blackberry, HTC New One, Galaxy, hiệu YotaPhon; máy tính các loại hiệu Apple iPad, hiệu API, các loại máy nghe nhạc hiệu Apple; đồng hồ thông minh; các phụ kiện chuột Macbook, sạc, cáp, tai nghe), tổng giá trị 2.927 tỷ đồng của 16 nhà cung cấp tại Hồng Kông, Trung Quốc. Thông qua hệ thống các cửa hàng của Công ty Nhật Cường trong nước, Bùi Quang Huy đã tiêu thụ được 254.364 sản phẩm, thu lợi bất chính 221 tỷ đồng.

Đại diện VKS cho rằng, đây là vụ đồng phạm có tổ chức, có sự cấu kết giữa các bị can trong việc thực hiện hành vi phạm tội, trong đó, Bùi Quang Huy là người tổ chức, chủ mưu, cầm đầu, điều hành toàn bộ hoạt động buôn lậu. Các bị can trong vụ án là người thực hành, người giúp sức thực hiện tội phạm.

Đại diện VKS trình bày tiếp, năm 2014, Bùi Quang Huy chỉ đạo lập 2 hệ thống sổ sách kế toán để theo dõi hoạt động kinh doanh của công ty, chỉ đạo Nguyễn Bảo Ngọc, Giám đốc tài chính và Nguyễn Thị Bích Hằng, Kế toán trưởng của Công ty Nhật Cường, sử dụng, ghi chép số liệu liên quan đến hoạt động của Công ty Nhật Cường trên hai hệ thống sổ sách kế toán tại phần mềm ERP và phần mềm MISA.

Trong đó, có nhiều số liệu về tài sản nguồn vốn, doanh thu, lợi nhuận, chi phí, tiền đầu tư vào các công ty con do Bùi Quang Huy thành lập… chỉ được ghi chép trên phần mềm ERP để theo dõi nội bộ, không ghi chép trên phần mềm MISA để đưa vào các báo cáo thuế, báo cáo tài chính, kê khai với cơ quan quản lý nhà nước.

"Việc lập 2 hệ thống sổ sách kế toán đã bỏ ngoài sổ sách kế toán tài sản, nguồn vốn hoạt động thực tế của công ty nhằm che giấu doanh thu thật, trốn thuế gây thiệt hại cho Nhà nước gần 30 tỷ đồng thuế giá trị gia tăng và thu nhập doanh nghiệp", đại diện VKSND TP Hà Nội nói.

comment Bình luận

largeer