Ăn vải bị máy đo nồng độ cồn báo có cồn trong máu?

Vải là loại quả có hàm lượng đường khá cao nếu ăn quá nhiều, khi đưa vào cơ thể sẽ chuyển hoá đường thành rượu. Điều này lý giải vì sao máy đo nồng độ cồn báo có cồn trong máu khi ăn vải.
04/06/2018 09:50

1. Ăn ba quả vải, máy đo báo có nồng độ cồn

Trong đoạn clip sau khi ăn ba quả vải, thổi vào dụng cụ đo nồng độ cồn, người tài xế bất ngờ khi máu báo có cồn trong máu. Người này thử nghiệm hai lần, kết quả cho thấy ăn càng nhiều vải thì nồng độ cồn càng tăng cao dù trước đó kim chỉ số 0 nồng độ cồn bằng 0.

Để lý giải hiện tượng này, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Nguyên Giảng viên Viện Công nghệ sinh học và thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho biết: Vải là loại quả có hàm lượng đường cao. Nếu để vải ở bên ngoài điều kiện thường quá lâu hoặc được bảo quản trong một thời gian nhất định sẽ xảy ra hiện tượng lên men, tức là đường chuyển hoá thành rượu.

An vai bi may bao do nong do con bao co con trong mau 2

Vải là loại quả có hàm lượng đường cao, nếu để quá lâu có thể xảy ra hiện tượng lên men

Theo TS. Thịnh, khi nhai trong miệng, lượng đường hoá rượu này sẽ bám vào khoang miệng. Điều này lý giải vì sao người đàn ông trong đoạn clip khi thổi vào dụng cụ đo nồng độ cồn khiến máy báo có cồn.

Thực tế, máy đo nồng độ cồn không xác định đối tượng uống rượu hay không, do nó rất nhạy với cồn và tiến hành đo tự động. Khi đưa vào dạ dày một thời gian, lượng cồn này rất nhỏ không đủ hấp thụ vào trong máu, chuyển hoá qua phổi khiến trong hơi thở có cồn.

An vai bi may bao do nong do con bao co con trong mau 3

Ăn vải bị máy đo nồng độ cồn báo có cồn trong máu? Khi ăn vải, lượng đường trong vải chuyển hoá thành rượu bám vào khoang miệng

Các chuyên gia cũng nhận định, không chỉ có vải mà các loại trái cây khác như sầu riêng, nho, chuối tiêu, xoài khi lên men mà ăn vào cũng xuất hiện hiện tượng máy đo nồng độ cồn báo có cồn trong máu.

2. Ăn vải nhiều có thể bị say

Trong 100g cùi vải có 87,3g nước, 0,7g protid; 0,5g axit hữu cơ; 10g glucid; 1,1g xenluloza. Do đó, tỷ lệ glucid chứa trong cùi vải rất cao và chủ yếu là đường glucoza. Ngoài ra, trong cùi vải còn có nhiều muối khoáng và vitamin: 6mg canxi; 34mg photpho; 0,5mg sắt; 0,02mg vitamin B1; 0,04mg vitamin B2; 0,07mg vitamin PP; 36mg vitamin C...

An vai bi may bao do nong do con bao co con trong mau 4

Theo kinh nghiệm dân gian, không nên ăn quá nhiều vải một lúc

Theo kinh nghiệm dân gian, không nên ăn quá nhiều vải một lúc. Ăn nhiều vải có thể gây nóng, làm rối loạn chuyển hoá đường trong cơ thể và có triệu chứng "say vải" khó chịu như chóng mặt, nhức đầu, buồn nôn, tim đập nhanh, toát mồ hôi, miệng khô khát, mỏi mệt...

Trong cùi vải có nhiều đường glucoza, nếu ăn một lúc quá nhiều vải (500g trở lên) sẽ có một lượng lớn đường glucoza vào máu. Điều này vượt quá khả năng hấp thu chuyển hoá của gan, khiến cơ thể tiết insuline tăng lên để làm hạ nồng độ đường máu xuống. Từ đó gây ra phản ứng đường máu thấp tức thời với các triệu chứng say vải.

Các chuyên gia khuyến cáo, không nên ăn quá nhiều vải một lúc mà nên chia ra ăn trong ngày. Trẻ nhỏ càng không nên cho ăn nhiều vải một lúc.

3. Ăn vải nhiều có thể gây ngộ độc

Ngoài chứng say vải, cũng có trường hợp có các biểu hiện của ngộ độc như nôn nao, nổi mề đay, đau bụng, có khi nôn mửa. Điều này được các chuyên gia giải thích là do loài nấm độc Candida trophicalis trú ngụ ở núm những quả vải bị giập nát, ủng thối gây ra. Hàm lượng đường cao và độ pH của vải là môi trường lý tưởng cho sự phát triển loại nấm này.

An vai bi may bao do nong do con bao co con trong mau

Ăn quá nhiều vải có thể gây ngộ độc với các triệu chứng như nôn mửa, nổi mề đay, đau bụng...

Ngoài triệu chứng tiêu chảy, khó thở, huyết áp cao do ngộ độc nấm Candida trophicalis, một số người còn có triệu chứng ớn lạnh, rùng mình, sau đó sốt từ 38,5 - 39 độ C. Theo dó, là các triệu chứng khác như đau đầu, uể oải, đau nhức khớp vùng lưng và thắt lưng, đi cầu phân sệt, lỏng lẫn với nhầy máu, có khi đục như mủ. Bệnh nhân thỉnh thoảng bị đau quặn vùng hố chậu trái, đau vùng thượng vị.

Khi có triệu chứng ngộ độc vải, lấy 7 - 10 lát gừng và ít gạo rang cháy đem nấu với nước, pha thêm chút muối và đường rồi để nguội. Uống nước (càng nhiều càng tốt), còn bã thì ăn từng tí một. Ngoài ra, có thể chống nhiễm trùng đường tiêu hóa bằng cách rửa sạch một nắm búp ổi non, nhai với ít muối.

Chú ý, không tự ý dùng thuốc kháng sinh khi không có chỉ định của thầy thuốc. Người bệnh có thể dùng sulfaguanidan, Smecta, uống thêm vitamin nhóm B, tuy nhiên không nên lạm dụng vitamin C.

Cần đưa bệnh nhân đến cấp cứu tại cơ sở y tế, đồng thời cho uống bù oresol nếu bệnh nhân đi cầu quá nhiều và có các triệu chứng nhầy máu mũi, vã mồ hôi trán, người khó chịu, niêm mạc miệng khô.

comment Bình luận

largeer