Cẩn trọng với Tic cơ thanh quản - một rối loạn giọng cần chữa sớm

Một số bệnh nhân từng phải bỏ nghề mà mình yêu thích là những nhóm nghề liên quan đến sử dụng giọng như ca sĩ, phát thanh viên, giáo viên, người thuyết trình, hùng biện… vì mắc phải một bệnh gọi là Tic cơ thanh quản.
08/12/2020 15:37

Biểu hiện bệnh thường là rất khó đọc hoặc nói một câu dài mà không ngắt giữa chừng, luôn bị lặp từ, giọng nói trở nên giật cục, run rẩy, cường độ không đều, mất khả năng truyền cảm của câu nói hay đoạn văn trong tình trạng tâm lí luôn căng thẳng. Nhiều người trong số họ đi khám ở các cơ sở y tế nhưng có khi bị thất vọng, hoang mang vì không chữa khỏi được biểu hiện này và lúc nào cũng nghĩ không biết mình mắc bệnh gì mà bác sĩ không chẩn đoán ra.

Vậy bệnh này được hiểu như thế nào và có chữa được không?

thanh quan

Nội soi hoạt nghiệm thanh quản.

Tic cơ thanh quản thực chất là gì?

Tíc là cử động bất thường của các cơ, lặp đi lặp lại không kiểm soát được. Tic cơ thanh quản vừa là Tic về vận động và Tic về âm thanh. Bệnh thường khởi phát ở độ tuổi 7-8 tuổi, nặng nhất ở 11-12 tuổi. Sau đó, 80% bệnh sẽ tự hết ở tuổi sau dậy thì, thường là sau 18 tuổi. Tuy nhiên có khoảng 20% số bệnh nhân sẽ tồn tại bệnh lý này ở tuổi trưởng thành.

Nguyên nhân của bệnhNguyên nhân gây biểu hiện Tic cơ thanh quản được cho là có liên quan đến yếu tố di truyền, rối loạn sinh hóa thần kinh như tăng dopamine và adrenalin, yếu tố khí chất ở những trẻ tính tình không ổn định. Các nhà khoa học nêu giả thuyết Tic là do rối loạn các chất dẫn truyền thần kinh, rối loạn mối liên hệ giữa các vùng não giữa, tiểu não. Nếu ở người bệnh có sang chấn tâm lí, mệt mỏi, thiếu ngủ, hoặc sau một bệnh lý cơ thể... Tic cơ thanh quản dễ dàng khởi phát. Những trẻ hiếu động cũng dễ bị Tic, gọi là do yếu tố cơ địa.

Bác sĩ chẩn đoán bệnh chủ yếu qua hỏi bệnh, nghe người bệnh nói chuyện, đọc thử một số âm mẫu và câu mẫu. Khi khám nội soi thanh quản thấy vận động thanh quản giật cục khi khép – mở. Khi kết hợp với soi hoạt nghiệm thanh quản thấy biên độ sóng niêm mạc bị hạn chế và ngắt quãng, biểu hiện mất cân xứng của sóng niêm mạc.

Đánh giá bằng phân tích dòng điện thần kinh qua các cơ thanh quản thấy biên độ pha rung động lớn giảm và đặc biệt là giảm tái khử cực vì thế các câu phát ra hay bị ngắt quãng.

Điều trị Tic ra sao?

Bác sĩ sẽ điều trị bằng thuốc kết hợp với kích thích giãn cơ thanh quản tại chỗ bằng sóng siêu âm và xung điện kết hợp liệu pháp trị liệu giọng nói, tâm lý. Liệu pháp này thường kết hợp với trị liệu giọng nói 7 ngày trong mỗi tháng.

Trong quá trình trị liệu giọng nói, bác sĩ sẽ xây dựng bài tập cho từng người bệnh tuỳ vào mức độ cũng như hình thức Tic sau khi thăm khám, mỗi ngày tập 10 phút với bác sĩ trị liệu giọng và tự tập ở nhà.

Bên cạnh đó, bác sĩ cũng sử dụng liệu pháp tâm lý cho hầu hết tất cả các bệnh nhân. Sử dụng liệu pháp hành vi mang lại kết quả tốt, đặc biệt đối với Tic nhất thời. Cần lưu ý: Không phê phán cách phát âm của người bệnh; nên tổ chức những hoạt động thu hút sự tập trung chú ý và lôi cuốn người bênhh tham gia, động viên khi người bệnh làm tốt.

Bên cạnh đó dựa vào cơ sở phối hợp hai quá trình: bất động các vận động và vận động các bất động của nguyên tắc điều trị tâm vận động, đưa ra kỹ thuật: hướng dẫn thực hiện các bài tập trước gương, làm các động tác ở những phần cơ thể không bị Tic kết hợp với bài tập giãn cơ. Dựa vào thuyết điều kiện hóa, cho bệnh nhân thực hiện bài tập chủ động làm các động tác Tic 30 phút mỗi ngày trong 3 tuần.

Nên tổ chức các hoạt động vui chơi giải trí, nâng đỡ tâm lý người bệnh kết hợp với hướng dẫn gia đình. Chú ý điều trị các rối loạn lo âu, trầm cảm, ám ảnh hoặc tăng động nếu có kèm theo với Tic.

Tic nhất thời thường khỏi tự phát nhưng dễ bị tái phát, gây ảnh hưởng đến sinh hoạt học tập và quan hệ xã hội của người bệnh./.

Theo VOV

comment Bình luận

largeer