Cùng cực của khốn khó, người cha già tần tảo nuôi con tật nguyền

Mẹ mất sớm, 8 năm trôi qua, người cha già tần tảo mưu sinh nuôi đứa con tật nguyền sau khi bị tai nạn lao động.
14/10/2020 16:11

Len lỏi qua những con phố, chúng tôi tìm đến một căn nhà nhỏ cũ kĩ nằm sâu trong ngõ ở đường Vệ Yên, phường Quảng Thắng (TP Thanh Hoá).

Trong căn phòng tối om chưa đầy 10m2, người đàn ông ngoài 30 tuổi nằm trên giường với những vết lở loét khắp trên cơ thể, mùi xú uế bốc lên, xung quanh cơ man là thuốc, một vài bộ quần áo cũ. Đó là tất cả những gì thuộc về cuộc sống suốt 8 năm qua của anh Phạm Duy Long (SN 1984, phường Quảng Thắng).

Từ năm 2012, sau tai nạn lao động khiến anh vĩnh viễn bị liệt hai chi dưới, anh bó buộc cuộc đời mình với 4 bức tường. Ngoài những lần phải di chuyển lên xe đến bệnh viện, anh chỉ nằm một chỗ trong căn phòng chật hẹp.

tai nan lao dong

Anh Long đau đớn nhắc về tai hoạ 8 năm về trước khiến anh chỉ có thể nằm một chỗ.

Gặp tôi, anh không giấu được nỗi tủi thân và tuyệt vọng. Kể về câu chuyện cuộc đời mình, anh để mặc cho mình yếu đuối, nước mắt nhoè nhoẹt trên khuôn mặt khắc khổ rồi lăn xuống gối. Tôi hiểu người đàn ông này đã tuyệt vọng đến mức nào.

Ngày anh bị tai hoạ giáng xuống cuộc đời là lúc mới chỉ 27 tuổi. Năm đó, anh làm nghề sửa xe cho một gara ô tô. Trong lúc bất cẩn, đã bị trượt chân cầu nâng đè lên lưng.

Anh được đưa ra Hà Nội mổ cấp cứu. Không có bảo hiểm y tế, bố anh đã phải vay tất cả những nơi có thể vay để có được 200 triệu phẫu thuật cứu con. Anh thoát án tử nhưng người thanh niên năm ấy mãi mãi trở thành người tàn tật.

Anh đã trải qua 4 lần phẫu thuật nhưng tình trạng bệnh vẫn không thuyên giảm. Do nằm một chỗ quá lâu, những vết lở loét trên cơ thể ngày càng nặng hơn.

8 năm qua, anh chỉ có thể nằm một chỗ, mọi sinh hoạt cá nhân đều phải một tay người cha già phục vụ.

“Mình ý thức được cái cuộc sống khốn khổ, bất hạnh, bế tắc cùng cực này nhưng không thể làm gì. Đến nhúc nhích người cũng không làm được, nhìn những vết lở loét trên cơ thể càng chán nản, tuyệt vọng. Đã hơn 1 lần mình nghĩ đến cái chết để kết thúc những khổ đau này, bố cũng không phải cơ cực nữa. Nhưng nhìn bố, mình lại không có đủ can đảm…”, anh Long trải lòng.

Mẹ mất, hai em gái lấy chồng xa, người duy nhất phải mưu sinh nuôi anh chính là người cha già năm nay đã gần 70 tuổi. Ngoài những lúc vào mùa với mấy sào ruộng ra, ông Phạm Văn Hiền đi làm thuê, làm mướn khắp nơi để có tiền chữa trị cho con.

bo cham con

Mẹ mất sớm, 8 năm qua chỉ có người cha già bên cạnh chăm sóc con.

Cứ khi nào có tiền, hai bố con anh Long lại đưa nhau đi bệnh viện. “Chi phí cho những lần đi viện mất rất nhiều. Dù được bảo hiểm chi trả 100 % nhưng tiền thuốc men, ăn uống, đi lại… nợ nần mỗi năm càng thêm chồng chất. Nhiều lần bác sĩ nói nên ở lại chưa cho về nhưng tiền đâu mà ở lại. Điều trị giữa chừng lại phải đưa nó về. Điều tôi lo lắng nhất là không biết tôi còn sống được bao lâu nữa mà chăm sóc con. Nó còn trẻ quá…”, ông Hiền bỏ lửng câu nói rồi quay đi len lén lau nước mắt.

Ông kể, vợ mất sớm, một mình nuôi 3 đứa con, hai đứa con gái đã lấy chồng trong Nam cả, cuộc sống cũng khó khăn không giúp được gì nhiều.

Ngày nào người ta cũng thấy dáng hình người đàn ông còm cõi rời khỏi nhà từ rất sớm đi kiếm việc làm thuê, trưa đến lại tất bật về nhà lo cơm nước cho con. Không có bàn tay của người phụ nữ, cuộc sống của hai cha con ông Hiền bao năm qua cơ cực hơn bao giờ hết.

“Từ lúc tai hoạ ập xuống, tính đến giờ cũng hết cả tỉ bạc chữa trị cho con rồi. Vay mượn rất nhiều, anh em thương tình cho vay rồi người ta cũng cho luôn.

Tôi giờ già yếu rồi, sức cùng lực kiệt, làm thuê làm mướn cũng bữa được, bữa không. Mấy ngày nay, cơ thể nó lở loét càng nặng, nhưng còn tiền đâu mà đi viện. Đã có lúc nghĩ chết quách cho xong cái cuộc sống khốn cùng này nhưng nghĩ đến con lại không đành lòng mà nhắm mắt. Mình chết rồi nó cũng chết theo mà thôi. Thôi thì cố được ngày nào thì cứ cố ngày ấy…”, người cha già lặng lẽ ôm mặt như giấu đi bao nỗi tủi phận, nhọc nhằn.

Ông bảo chỉ mong không còn phải chạy ăn từng bữa, rồi mong có tiền đưa con đi viện. Ước mơ của người cha già sao mà  chua xót đến thế.

Rời căn nhà ảm đạm ấy, vẫn ám ảnh tôi những khuôn mặt tuyệt vọng, ánh mắt cầu cứu. Tôi không dám hình dung những ngày tiếp theo đối với cha con của người đàn ông ở tận cùng của sự khốn khó.

Mọi sự giúp đỡ xin gửi về:

1. Mã số 3893: Ông Phạm Văn Hiền

Địa chỉ: 5/73, đường Vệ Yên, phường Quảng Thắng, TP Thanh Hoá

SĐT: 0987.943.423 (số ĐT anh Long)

Theo Dân trí

comment Bình luận

largeer