Hiện tại đã có 239 triệu liều vaccine Covid-19 đã được tiêm trên toàn thế giới

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, đến ngày 18/02, ít nhất 7 loại vaccine khác nhau đã được triển khai ở các quốc gia. Đồng thời hơn 200 ứng cử viên vaccine nữa đang được phát triển, trong đó hơn 60 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng.
02/03/2021 06:45

Ngày 1/3, Philippines trở thành quốc gia mới nhất khởi động chiến dịch tiêm phòng vaccine ngừa Covid-19 cho người dân, một ngày sau khi tiếp nhận lô vaccine đầu tiên từ công ty Sinovac của Trung Quốc. Chiến dịch tiêm chủng được triển khai trước tiên tại các bệnh viện ở vùng đô thị Manila. Chính phủ Philippines đặt mục tiêu tiêm chủng cho tối đa 70 triệu dân trong năm 2021 để đạt miễn dịch cộng đồng.

Bộ trưởng Y tế Philippines Francisco Duque nhấn mạnh: “Các bạn hoàn toàn có thể yên tâm, vaccine này rất hiệu quả và an toàn. Đây sẽ là chìa khóa để người dân Philippines có thể trở lại cuộc sống bình thường”.

vaccine_eu_the_guardian

Cũng trong ngày 1/3, Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi đã được tiêm mũi vaccine phòng Covid-19 đầu tiên, chính thức khởi động giai đoạn 2 của chiến dịch tiêm chủng toàn quốc ở quốc gia này. Kể từ khi bắt đầu từ ngày 16/1 vừa qua, chiến dịch tiêm chủng tại Ấn Độ đã giúp gần 15 triệu người dân nước này được chủng ngừa.

Còn tại Anh, vùng dịch lớn thứ 5 thế giới, hơn 20 triệu người dân đã nhận được mũi vaccine Covid-19 đầu tiên. Theo Chính phủ Anh, cột mốc quan trọng này là “một thành tựu to lớn của quốc gia”, cho thấy niềm tin của người dân vào Chính phủ và hiệu quả của vaccine.

Bộ trưởng y tế Anh Matt Hancock nhấn mạnh: “Tôi rất vui mừng vì hơn 20 triệu người trên khắp nước Anh đã được tiêm vaccine ngừa Covid-19. Điều đó thật tuyệt vời. Tôi đặc biệt xin gửi lời cảm ơn tới tất cả những người đã tiêm chủng ngừa. Vẫn còn một chặng đường dài phía trước nhưng chúng ta đang đạt được những bước tiến lớn”.

Tại Mỹ, quốc gia bị ảnh hưởng nặng nề nhất trên thế giới với khoảng 29 triệu ca mắc bệnh, 72,8 triệu liều đã được sử dụng. Trong khi đó, Israel là quốc gia đi đầu trong việc tiêm chủng cho người dân kể từ tháng 12/2020, với hơn 1 nửa trong số 9,3 triệu người dân được tiêm ít nhất một mũi vaccine.

Theo ước tính của Bloomberg, 70% đến 90% dân số thế giới sẽ phải được tiêm chủng trước khi đạt được miễn dịch cộng đồng. Với nhiều người được chủng ngừa hơn, giới khoa học cũng sẽ ngày càng hoàn thiện cách mà các loại vaccine hiện tại có thể làm giảm hoặc ngăn ngừa nhiễm trùng và lây truyền. Khả năng miễn dịch sau tiêm  chủng kéo dài bao lâu và hiệu quả của vaccine trong việc hạn chế sự lây lan của virus sẽ định hình các các quốc gia có thể mở cửa lại nền kinh tế. Những báo cáo ban đầu cho thấy các trường hợp mắc Covid-19 đã giảm đáng kể trong số những người được tiêm chủng. Thời gian cần thiết để tiêm chủng cho 3/4 dân số thế giới sẽ giảm bớt khi tốc độ tiêm chủng ngày càng được đẩy nhanh và nhiều ứng cử viên vaccine được cấp phép.

Tổ chức Y tế thế giới (WHO) ước tính, đến ngày 18/02, ít nhất 7 loại vaccine khác nhau đã được triển khai ở các quốc gia. Đồng thời hơn 200 ứng cử  viên vaccine nữa đang được phát triển, trong đó hơn 60 loại đang trong giai đoạn thử nghiệm lâm sàng. Các quốc gia đang cố gắng thuyết phục người dân tiêm phòng, trong bối cảnh những biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện và mức độ miễn dịch của các loại vaccine vẫn chưa rõ ràng.

Kết quả cuộc khảo sát quốc tế do Hãng tư vấn quốc tế KekstCNC tiến hành trong tháng 2 tại 6 quốc gia phát triển cho thấy, tỷ lệ người dân mong muốn và cho rằng cần phải tiêm vaccine ngừa Covid-19 đang gia tăng với tỷ lệ lên tới 89% tại Anh. Ngay cả tại Pháp, quốc gia được cho là không có nhiều người tin tưởng vaccine, tỷ lệ người lựa chọn đi tiêm vaccine ngừa Covid-19 cũng tăng từ 40% hồi tháng 12 lên 59%./.

Theo VOV

comment Bình luận

largeer