Mẹ Hà Nội chiến đấu cùng con suốt 14 ngày qua 3 bệnh viện vì virus RSV
Vài tuần trở lại đây, sự bùng phát của virus hợp bào hô hấp (RSV) khiến hàng loạt trẻ phải vào BV Nhi TƯ thở máy, dù các triệu chứng ban đầu chỉ giống cảm cúm, hắt hơi.
Cứ ngỡ câu chuyện trên báo đài, tivi ở đâu xa xôi lắm, cho đến khi chính cô con gái 23 ngày tuổi của mình nhiễm virus này phải nằm viện, điều trị qua 3 bệnh viện trong suốt 14 ngày, chị Nguyễn Hoa (29 tuổi, Đống Đa, Hà Nội) mới thấy thấm thía.
Chị Hoa gọi đây là hành trình “khủng khiếp” và chia sẻ lại câu chuyện chiến đấu cùng con chống lại virus RSV để giúp các bậc cha mẹ cẩn thận hơn khi chăm sóc con.
3 ngày đầu cảm cúm bình thường
Cho Hoa cho biết, Katie là con gái thứ 2. Khi Katie được 23 ngày tuổi, bé bắt đầu có biểu hiện hắt hơi, sổ mũi nhưng tình trạng khá nhẹ. Suốt 2 ngày đầu chỉ hắt hơi 5-6 lần và ho 2-3 lần/ngày.
Đến ngày thứ 3, hơi lo lắng, chị Hoa gọi điện hỏi bác sĩ, thông báo các triệu chứng của bé và nhận được chỉ dẫn tiếp tục theo dõi, nếu có biểu hiện sốt, khó thở, bú kém phải đưa vào BV điều trị.

Bé Katie những ngày điều trị tại bệnh viện
Từ đêm ngày thứ 3, bé Katie vẫn bú và ngủ bình thường nhưng triệu chứng khó thở ngày một tăng. Đến 6h sáng ngày thứ 4, khi bé dậy, tình trạng mệt rõ ràng hơn. Chị Hoa lập tức đưa con đến BV Hồng Ngọc khám.
Trong thời gian rất ngắn di chuyển đến BV, tình trạng bé tiếp tục nặng thêm, được chuyển ngay vào khoa cấp cứu với chẩn đoán viêm phổi, khó thở và yêu cầu chuyển gấp qua BV Xanh Pôn gần đó.
Tại BV Xanh Pôn, bé cũng được chuyển vào phòng cấp cứu với chẩn đoán viêm phổi, phải điều trị bằng kháng sinh, tách mẹ, 3 tiếng gặp con 1 lần để cho bú.
Trong vòng 3 tiếng, khi gặp lại con, chị thấy Katie khó thở nặng thêm, bú rất ít. Thấy tình trạng của con tăng nặng, xung quanh lại nhiều trẻ mắc bệnh khác cùng nằm chung trong phòng 40m2 nên 15h ngày thứ 4, vợ chồng chị quyết định chuyển con sang BV Nhi TƯ điều trị.
Chuyển viêm phổi chỉ sau 1 ngày
Khi từ Xanh Pôn chuyển qua BV Nhi, bé Katie đã bắt đầu bị suy hô hấp, phải thở oxy, độ bão hoà oxy giảm từ 100 xuống còn 84 (độ bão hoà oxy ở người bình thường từ 95-100).
Nhập viện được 1 tiếng, bác sĩ chuyển bé Katie lên khoa hồi sức sơ sinh để khám và chẩn đoán bệnh. Bác sĩ kết luận bé bị viêm phế quản, phổi, yêu cầu mẹ tách rời con để bác sĩ cấp cứu.
Ngay sau đó, một sinh viên y khoa chạy vào báo bác sĩ: Bệnh nhân bị sốc. Vợ chồng chị Hoa lo lắng, tái mét mặt nhưng may mắn, một lúc sau bé đã về trạng thái ổn định dù vẫn thở oxy.

Chị Hoa cùng bé Katie
Chiều tối cùng ngày, bác sĩ thông báo kết quả chính thức, bé bị nhiễm virus RSV, hiện chưa bị viêm phổi, kháng sinh không có tác dụng với virus này.
Ngay sau đó bé được ghép mẹ. Ngày thứ 2 ở BV Nhi, bé vẫn bú tốt dù khó thở, phải thở gắng sức. Sang ngày thứ 3 ở viện, bé bắt đầu quấy khóc, đặt xuống là khóc và bế lên là nín vì mũi bị ngạt, không thể nằm.
Dù chị Hoa đã tích cực cho bé thở khí dung và hút mũi, rửa mũi, hút đờm cho con nhưng kết quả vẫn không cải thiện, bé ho liên tục. Khi hỏi bác sĩ, chị Hoa nhận được câu trả lời rằng đây là biểu hiện bệnh đang ở giai đoạn nặng nhất, nếu vượt qua được giai đoạn này, con sẽ ổn.
Chiều tối ngày thứ 3, bé Katie bắt đầu khó thở, độ bão hoà oxy giảm còn 80. Bác sĩ ngay lập tức đưa bé trở lại phòng cấp cứu.
30 phút sau, bác sĩ thông báo con đã bị viêm phổi và phải điều trị bằng kháng sinh. Bác sĩ lấy máu xét nghiệm thêm, nếu có sẽ gọi người nhà ngay trong đêm.
“Lúc đó không biết nghĩ gì thêm, chỉ cầu trời khấn phật rằng con sẽ không sao cả”, chị Hoa chưa hết bàng hoàng kể lại.
Cứ thế hàng ngày, cách mỗi 3 tiếng, chị Hoa mang sữa cho con và đợi bác sĩ thông báo vào 10h30-12h hàng ngày.
Trong 2 ngày đầu tách mẹ, tình trạng đờm dãi, xuất tiết ở phổi tiếp tục tăng lên, bé phải thở bằng ống thông, có nguy cơ phải thở máy, ăn ngày 8 bữa, mỗi bữa 70ml.
2 ngày kế tiếp, tình trạng của bé tiến triển tốt dần lên, không cần thở bằng ống thông. Ngày thứ 8 ở BV Nhi, chị Hoa được ở cùng con, ngày thứ 9, bác sĩ thông báo sắp được xuất viện.
Tuy nhiên chiều tối cùng ngày, bé Katie đột ngột sốt cao trên 38 độ, phải nhét thuốc hạ sốt 3 lần/ngày trong suốt 2 ngày kế tiếp.
“Mình lo nhất là con có nguy cơ nhiễm khuẩn bệnh viện. Tất cả các loại bệnh có thể truyền nhiễm ở bệnh viện còn nặng hơn rất nhiều so với virus RSV. Nhất là khi bác sĩ đưa con đi lấy máu làm xét nghiệm và cấy máu tìm nguyên nhân bệnh, mỗi lần vậy lại đứng tim, lo không biết con bị thêm bệnh gì không”, chị Hoa nhớ lại.
Bác sĩ thông báo bé có nguy cơ nhiễm khuẩn, sẽ xét nghiệm lại vào hôm sau. Tuy nhiên may mắn, kết quả xét nghiệm lại cho thấy các chỉ số đã bình thường trở lại, dù chưa rõ nguyên nhân sốt là gì, xét nghiệm nhiễm khuẩn đường tiết niệu, nhiễm trùng máu cũng đều cho kết quả âm tính. Bác sĩ kết luận con chỉ bị sốt do nhiễm virus thông thường.
Kết thúc chuỗi ngày căng thẳng, nhiều lúc như nín thở tại bệnh viện, chị Hoa lưu ý các bậc cha mẹ cần đặc biệt lưu ý đến sức khoẻ của trẻ, đặc biệt là trẻ sơ sinh do diễn biến cực kỳ nhanh và nguy hiểm, chỉ sau 1 ngày đã bị viêm phổi.

- Sản phẩm vì sức khỏe
-
Phát hiện thêm công dụng mới trong thuốc điều trị ung thư của Singapore
Các nhà nghiên cứu Singapore phát hiện ra rằng một loại thuốc điều trị ung thư do nước này phát triển có thể trở thành thuốc điều trị mới cho 2 nguyên nhân gây mù lòa hàng đầu thế giới.July 16 at 8:04 am -
Thái Lan sản xuất thuốc điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên được phát triển trong nước
Theo phóng viên TTXVN tại Bangkok, Thái Lan đã sản xuất thuốc viên điều trị ung thư nhắm đích đầu tiên – có tên Imcranib 100 - hoàn toàn được phát triển trong nước. Đây là kết quả của tầm nhìn khoa học và sự lãnh đạo của Công chúa hoàng gia Thái Lan - Giáo sư Tiến sĩ Chulabhorn Krom Phra Srisavangavadhana.July 15 at 9:13 am -
Xác thực truy xuất nguồn gốc - 'thuốc đặc trị' chống hàng giả
Khi nền kinh tế số đang trở thành một trong những trụ cột phát triển của đất nước, thì yêu cầu về tính xác thực, minh bạch và khả năng truy xuất nguồn gốc của hàng hóa không chỉ phục vụ công tác quản lý nhà nước mà còn là điều kiện tiên quyết để nâng cao niềm tin thị trường trong nước và hội nhập quốc tế.July 9 at 8:25 am -
Công tác đánh giá, phân hạng sản phẩm OCOP được chia thành 02 cấp
Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà ký Quyết định số 1489/QĐ-TTg ngày 6/7/2025 sửa đổi, bổ sung một số nội dung Quyết định số 148/QĐ-TTg về việc phê duyệt Bộ tiêu chí và quy trình đánh giá, phân hạng sản phẩm Chương trình mỗi xã một sản phẩm (OCOP).July 7 at 7:32 am