Tục lệ mua mía đêm giao thừa của người dân Việt

Trong đêm giao thừa, hình ảnh người người mua mía lộc đầu năm mới trở nên quen thuộc đối với người dân Việt Nam, mang một ý nghĩa văn hóa tốt đẹp mỗi dịp tết đến xuân về.
07/12/2020 08:54

Vào cuối niên 1990, việc các ghánh hàng rong bán mía vào đêm giao thừa mới phát triển mạnh. Trong những năm trước đó, dư luận rất nhiều lần lên tiếng về cảnh "thảm sát" các cành cây. Gần như, sau giao thừa mỗi năm, những hàng cây này luôn bơ phờ, xơ xác, vì bị hàng chục người đu lên, bẻ hết các cành và chồi non.

Ít nhiều, sự phát triển của những hàng bán mía vào giao thừa cũng đến từ sự ủng hộ của cộng đồng trước những lời kêu gọi nói không với nạn bẻ cây, hái lộc trong dịp Tết.

Từ đó tục mua mía lộc đầu năm đã trở thành một phần không thể thiếu trong không khí đón tết của người dân, với ý nghĩa cầu chúc cho năm mới với nhiều may mắn, tốt lành.

Cây mía lộc trong ngày tết đã trở thành biểu tượng may mắn, gắn liền với tục mua mía đầu năm. Trong đêm giao thừa đón năm mới, người ta thường mua 2 cây mía về để đặt lên hay bên ban thờ gia tiên, với những mong muốn tốt đẹp.

Chọn cây mía

Cây mía được mua về lấy may đầu năm mới phải là cây mía có phần thân đẹp, các đốt hay còn gọi là các lóng của mía phải nhẵn và đều nhau. Phần rễ cây mía còn nguyên và lá xòe tươi, đẹp.

mial

Những cây mía ngọt ngào tượng trưng cho sự dịu êm, may mắn trong năm mới. Người ta muốn đem sự ngọt ngào từ năm cũ qua năm mới với hi vọng mọi sự bình an và tốt lành.

Cây mía thể hiện cho sự vươn cao, mạnh mẽ và rắn chắc như tinh thần người Việt. Do đó, cây mía trong năm mới còn chứa thông điệp, ước nguyện sự thành công và vươn cao, vươn xa hơn trong năm mới.

Ý nghĩa tục mua mía đầu năm

Thờ cúng cây mía trên ban thờ ngày tết theo phong tục của người Việt thể hiện sự kết nối hài hòa giữa đất và trời giữa âm và dương, giúp gắn kết con cháu với ông bà tổ tiên đã khuất. Từng đốt trên thân cây mía giống như những bậc thang giúp ông bà tổ tiên leo được đến cửa trời về với cõi tiên.

Tục mua mía lộc đầu năm đem về thờ cúng được giải thích là gậy để ông bà tổ tiên chống trên đường về ăn tết với con cháu, hay chính những cây mía dài đó được dùng để gánh hành lý mỗi lần các cụ ăn tết trở về.

Bên cạnh đó, cây mía đem theo trên đường về còn là “vũ khí” giúp ông bà tổ tiên tránh được tà ma, cô hồn vất vưởng cướp mất những lễ vật con cháu dâng cúng dịp tết. Với cây mía dài chắc trong tay, tất thảy mọi ma quỷ ngáng chân đều bị đánh tơi bời. Và nếu trên đường có những khúc sông không có đò, cây mía trở thành cây cầu giúp ông bà tổ tiên qua sông dễ dàng.

 

mi

Sau lễ cúng hóa vàng, khi các cụ đã trở về thuận lợi, con cháu mới có thể lấy cây mía lộc ra thưởng thức. Có những gia đình đợi đến qua rằm tháng giêng mới thụ lộc. Mía là thành quả của nông nghiệp, là món sản vật gần gũi với nhân dân và mang ý nghĩa trọn vẹn cho tấm lòng uống nước nhớ nguồn của dân tộc.

Tục thờ cúng cây mía dịp tết đến xuân về những ngày đầu năm mang một ý nghĩa truyền thống tốt đẹp, gắn kết yêu thương giữa cõi âm và cõi dương, hướng đến những giá trị nhân văn cao cả. Bởi vậy, mua mía đầu năm từ lâu đã trở thành một thói quen không thể thiếu trong dịp tết của người Việt.

Dù với ý nghĩa thế nào thì tục mua mía đầu năm vẫn mang nét đẹp văn hóa riêng, thể hiện tinh thần uống nước nhớ nguồn của cả dân tộc Việt, giúp con cháu hướng đến cái đẹp và sự lạc quan trong tâm hồn.

Nguyễn Dung

 

 

 

 

 

 

 

comment Bình luận

largeer