Cách xử lý khi bị chảy máu cam ở trẻ em

Chảy máu cam ở trẻ là hiện tượng máu đỏ tươi đột ngột chảy ra từ hốc mũi có thể làm trẻ hoảng sợ và khiến nhiều bậc phụ huynh cảm thấy lo lắng.
24/04/2018 22:47

Chảy máu cam ở trẻ em là gì?

Chảy máu cam ở trẻ em là hiện tượng phổ biến khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu, xuất hiện nhiều ở trẻ 2 - 10 tuổi. Chảy máu mũi thường xảy ra nhiều hơn vào buổi sáng và đa số trường hợp không xác định nguyên nhân rõ ràng.

Cach xu ly khi bi chay mau cam o tre em 2

Chảy máu cam ở trẻ em là hiện tượng khi các mạch máu nhỏ ở mũi bị vỡ và chảy máu

Hiện nay, chảy máu mũi được chia thành 2 loại đó là chảy máu mũi trước và chảy máu mũi sau.

Chảy máu mũi trước

Chiếm khoảng 90% trường hợp do từ phía trước mũi. Vị trí hay bị chảy máu nhất là đám rối Kieselbach ở phần dưới của vách ngăn mũi. Khu vực này chứa nhiều mạch máu nhỏ rất dễ vỡ khi xì mũi hay khi có chấn thương cục bộ (ngoáy mũi, day mũi).

Ở trường hợp này thường xảy ra ở những vùng khí hậu hanh khô hay môi trường khô (dùng lò sưởi, máy điều hòa kéo dài). Tình trạng khô niêm mạc khiến vách ngăn mũi có vảy, nứt nẻ và chảy máu.

Thông thường chảy máu một bên và máu mũi chủ yếu chảy ra phía trước (nếu có chảy xuống họng thì số lượng rất ít). Triệu chứng là chảy máu dai dẳng, khối lượng không nhiều. Thường ngừng chảy máu sau khi áp dụng các biện pháp sơ cứu. Trường hợp nặng cần đốt điểm mạch bằng nitrat bạc hoặc hóa chất khác.

Chảy máu mũi sau 

Chiếm khoảng 10% trường hợp và thường liên quan tới các mạch máu ở cao hơn và sâu hơn của mũi.

Tuy không phổ biến ở trẻ em nhưng chảy máu mũi sau nguy hiểm hơn và khó kiểm soát hơn, cần được chăm sóc y tế. Trường hợp này thường xuất hiện ở người cao tuổi, người huyết áp cao hay trong chấn thương vùng mũi mặt.

Chảy máu mũi sau thường chảy máu cả hai bên và chảy ra phía sau, chủ yếu đi xuống họng. Máu chảy nhiều, có thể gây nguy kịch. Có thể kiểm soát bằng nhét bấc mũi hoặc thắt mạch máu.

Nguyên nhân chảy máu cam ở trẻ em

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến tình trạng chảy máu cam ở trẻ em, về cơ bản, đa phần các trường hợp chảy máu cam ở trẻ em diễn ra do màng mạch ở vách ngăn mũi gặp tổn thương. Ngoài ra, có thể do một trong những nguyên nhân dưới đây:

Do va đập, chấn thương

Trẻ chảy máu cam trong khi chơi đùa bị chấn thương và cho những vật dụng, đồ chơi cứng vào mũi hoặc bị va đập vào các vật cứng như bàn, ghế, tường.

Cach xu ly khi bi chay mau cam o tre em

Trẻ bị chảy máu cam do bị va đập, chấn thương

Do thời tiết

Nếu độ ẩm không khí quá thấp khiến không khí đi vào khoang mũi bị khô, màng nhầy vách mũi trẻ do đó không còn đàn hồi, giảm độ co giãn và vô cùng nhạy cảm. Nếu có sự chà xát nhỏ như hắt hơi hay ngoáy mũi cũng có thể làm máu cam chảy. Khi trời nóng, các mạch máu giãn nở, trẻ sẽ cảm thấy ngứa và có thể ngoáy mũi và làm vỡ mạch máu.

Mất cân bằng độ ẩm

Hiện nay, nhiều gia đình thường xuyên bật điều hòa để làm dịu nhiệt độ nhưng cũng làm khô không khí ở môi trường xung quanh do đó làm cho mũi trẻ bị khô, dễ chảy máu cam.

Thiếu dưỡng chất

Vitamin C là loại vitamin đóng vai trò quan trọng ảnh hưởng đến sức đề kháng của trẻ, có tác dụng bảo vệ trẻ chống lại các bệnh truyền nhiễm. Việc thiếu hụt vitamin C làm cho sức đề kháng của trẻ suy yếu, các cơ quan, đặc biệt là hệ hô hấp bị vi khuẩn truyền nhiễm tấn công gây tổn thương vùng mạch máu khiến trẻ bị chảy máu cam.

Viêm mũi

Viêm mũi thường làm cho các mạch máu, bao gồm cả động mạch và tĩnh mạch mở rộng, do đó hệ thống mạch máu trong khoang mũi của trẻ cũng có những biến đổi nhất định nên dễ gây ra chảy máu mũi khi có tác động nhẹ từ bên ngoài.

U mũi

Những khối u mũi là nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu cam rất nguy hiểm. Những khối u này có thể là lành tính và cũng có thể là ác tính nhưng chủ yếu là lành tính. Tuy nhiên, bố mẹ nên đưa bé đến gặp bác sĩ để có thể chẩn đoán và điều trị kịp thời, đúng cách.

Cach xu ly khi bi chay mau cam o tre em 4

Cách xử lý khi bị chảy máu cam ở trẻ em. Những khối u mũi là nguyên nhân gây ra hiện tượng chảy máu cam

Các yếu tố bẩm sinh

Có một số yếu tố bẩm sinh, di truyền như cấu trúc thành mạch máu, cấu tạo vách mũi mỏng cũng khiến cho trẻ dễ bị tác động từ ngoại cảnh, gây tổn thương và chảy máu cam.

Xử lý khi trẻ bị chảy máu cam

Khi trẻ chảy máu cam, các mẹ cần cầm máu là điều cần thiết.

Bước 1:

Xác định bên mũi chảy máu, thông thường máu chảy ra từ một bên lỗ mũi, nhưng trẻ thường có phản ứng dụi nên máu loang ra rất khó phân biệt máu chảy từ bên nào. Lúc này mẹ cần lau mũi sạch cho bé, sau đó để bé cúi đầu xuống để máu chảy ra và xác định máu chảy từ bên nào

Bước 2:

Các mẹ lấy ngón tay trỏ đè lên cánh mũi cho chạm vào vách ngăn để cầm máu. Để đầu bé hơi ngửa lên một chút. Giữ nguyên khoảng 5 - 10 phút thì máu sẽ ngừng chảy. Lưu ý là chỉ nên hơi ngửa ra sau một chút, nếu ngửa quá nhiều sẽ dẫn đến hiện tượng máu chảy ngược vào hốc mũi hoặc bao tử.

Cach xu ly khi bi chay mau cam o tre em 3

Nên để đầu bé hơi ngửa ra sau một chút giữ nguyên khoảng 5 - 10 phút

Bước 3:

Cuối cùng cho bé nằm nghỉ. Ngoài ra, các mẹ có thể dùng bông gòn bịt lại lỗ mũi bị chảy để đảm bảo sức khoẻ cho trẻ. Nếu máu chưa ngưng và chảy xuống cổ họng thì đặt bé nằm nghiêng. Hướng dẫn bé đẩy máu ra ngoài bằng lưỡi. Lưu ý, không để bé nuốt máu này vào bụng vì rất có thể bé sẽ bị nôn mửa, đau bụng và khó chịu.

Lặp lại việc đẩy máu này đều 3 phút/lần và chủ động ước lượng lượng máu trẻ mất.

Bước 4:

Quan sát bé sau khi thực hiện các bước sơ cứu trên. Nếu máu vẫn tiếp tục chảy hoặc chảy máu mũi nhiều lần, trẻ có triệu chứng hoa mắt, chóng mặt, nhịp tim nhanh, bé thở khò khè hoặc có hiện tượng khó thở, thậm chí là nôn ra máu và có thể kèm theo sốt (hoặc phát ban) nên đưa trẻ đến bệnh viện để kiểm tra sức khỏe và điều trị dưới sự theo dõi của bác sĩ.

Nếu máu vẫn chảy sau khi thực hiện các bước sơ cứu, trẻ mất máu nhiều thì có thể bé mắc bệnh hemophilia, cần đưa trẻ đi khám bác sĩ ngay lập tức.

Lưu ý, các bậc cha mẹ không nên tự ý mua thuốc cho trẻ uống, dù có thể tự xác định nguyên nhân. Bố mẹ cần cẩn thận cho trẻ uống thuốc dưới sự hướng dẫn của bác sĩ. Các mẹ cũng có thể tham khảo một số mẹo dân gian để chữa chảy mũi cam như sau: lấy lá xương sông, lá dâu, lá nho non hay lá bạc hà, đem vò nát cho vào hốc mũi cũng có tác dụng cầm máu cho trẻ.

Phòng tránh hiện tượng chảy máu cam ở trẻ em

Khi trẻ bị viêm mũi hay các bệnh về hệ tai - mũi - họng, các mẹ nên đưa trẻ đi khám và điều trị kịp thời. Luôn chú ý và nhắc nhở trẻ không nên ngoáy mũi, dụi mũi để tránh bị chảy máu cam hay tránh lây lan các vi khuẩn gây viêm vùng mũi.

Chăm sóc vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý. Không cần vệ sinh quá nhiều gây mỏng thành mũi hoặc làm mất đi lớp nhầy bảo vệ niêm mạc mũi, gây tổn thương, gây rát trong mũi trẻ, chỉ cần 2 lần/tuần đối với các trẻ khỏe mạnh và nhiều hơn với các bé mắc các chứng bệnh viêm mũi theo chỉ định của bác sĩ.

Cach xu ly khi bi chay mau cam o tre em 5

Chăm sóc vệ sinh mũi cho trẻ thường xuyên bằng nước muối sinh lý

Tránh để bé đưa vật gì vào trong mũi, dù là mềm hay nhỏ, bởi thành mũi của bé đang rất yếu nên rất dễ bị tổn thương. Tổn thương mũi còn ảnh hưởng đến khả năng đường hô hấp của trẻ và khả năng miễn dịch các bệnh truyền nhiễm.

Bổ sung dưỡng chất đầy đủ cho trẻ, đặc biệt là vitamin C. Bổ sung thêm các loại rau củ quả, đặc biệt là các loại rau lá xanh, củ quả có vị chua và các loại quả có múi như cam, quýt, canh, bông cải xanh, cà chua, khoai tây, hoa kim châm, các loại cá như các trích, cá thu, các bơn vào bữa ăn hàng ngày để cung cấp đầy đủ vitamin C và canxi cho trẻ.

Cung cấp nước thường xuyên cho trẻ để cân bằng độ ẩm của cơ thể với môi trường bên ngoài.

comment Bình luận

largeer